Bạo hành trẻ em là gì?

Bạo hành trẻ em vẫn luôn là một vấn nạn nhức nhối hàng đầu trong xã hội hiện nay, hậu quả của nó vô cùng khủng khiếp, khiến trẻ em tổn thương sâu sắc về thể xác cũng như tinh thần. Những vết thương về thể xác theo thời gian có thể phai mờ dần, tuy nhiên những tổn thương về tinh thần cũng như tâm hồn có thể mãi mãi đi cùng các bé suốt cuộc đời. Hôm nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về khái niệm bạo hành trẻ em là gì? và những điều luật được pháp luật Việt Nam quy định liên quan đến vấn đề này nhé.

Nội Dung Bài Viết

Bạo hành trẻ em là gì?

Bạo hành trẻ em là một vấn nạn mang tầm quốc tế, xảy ra từng ngày từng giờ, ở mọi quy mô lớn nhỏ. Bất kỳ ai cũng có khả năng trở thành nạn nhân hay người bạo hành, dù họ sống trong nền văn minh nào, địa vị ra sao. Dù không có một câu chuyện nào là hoàn toàn giống hệt nhau, nhưng chắc chắn là bạo hành trẻ em sẽ để lại hậu quả trầm trọng cho trẻ em, cộng đồng và xã hội.

Theo Tổ chức Sức khỏe Thế giới WHO, bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi đối xử tệ bạc với trẻ em cả về thể chất lẫn tinh thần như đánh đập, xâm hại tình dục, lợi dụng trẻ em… dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ. Bất kỳ ai cũng có thể có hành vi bạo hành trẻ em, kể cả cha mẹ, người trông nom hay đứa trẻ khác.

Có thể phân bạo hành trẻ em thành 5 dạng:

  • Bạo hành thể chất (Physical abuse)
  • Bạo hành tình dục (Sexual abuse)
  • Bạo hành tâm lý (Psychological/Emotional abuse)
  • Bỏ bê (Neglect and negligent treatment) 
  • Lạm dụng (Exploitation)

Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 của Việt Nam đã quy định về quyền trẻ em “Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật”.

Bạo hành trẻ em là hành vi trái pháp luật cần bị lên án và bị pháp luật xử lý

Luật bạo hành trẻ em tại Việt Nam

Trong Hiến pháp cũng như các Nghị định, bộ Luật thì luật bạo hành trẻ em luôn được quan tâm và sửa đổi sao cho phù hợp nhất để đảm bảo quyền lợi của thế hệ tương lai đất nước.

Điều 37 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định rõ ràng rằng, các hành vi xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ bê, lạm dụng, bóc lột sức lao động hay các hành vi khác xâm hại đến quyền trẻ em đều bị nghiêm cấm.

Cụ thể, người bạo hành trẻ em có thể phải chịu các mức xử phạt sau đây:

Phạt hành chính

Các hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại đến sức khỏe của trẻ em hoặc dùng biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em khiến chúng bị tổn thương tinh thần, đau đớn về thể xác sẽ bị phạt hành chính từ 5 – 10 triệu đồng. Ngoài ra, người bạo hành còn phải chi trả mọi chi phí khám và chữa bệnh cho trẻ em bị bạo hành.

Người bạo hành trẻ em có thể bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng

Phạt hình sự

Đối với những mức độ vi phạm nặng hơn, gây nhiều tổn thương hơn cho trẻ em phải chịu mức phạt hình sự để đảm bảo răn đe đến người vi phạm.

Theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, người có hành vi cố tình gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe của người khác (tỉ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% đối với trẻ em) thì sẽ phải chịu mức phạt cải tạo không giam giữ với thời hạn cao nhất là 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo Điều 185 Bộ luật Hình sự năm 2015, người thân (ông bà, cha mẹ) có hành vi thường xuyên làm con cháu mình (đối tượng trẻ em) bị đau đớn về thể xác và tình thần thì sẽ chịu mức phạt hành chính, tuy nhiên nếu tái phạm sẽ bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015, người có hành vi đối xử độc ác hoặc làm nhục trẻ em (không thuộc vào tội ngược đãi tại điều 185) thì sẽ phải chịu mức phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

Lưu ý, mức phạt thực tế cho người bạo hành trẻ em dựa vào tính chất và mức độ của vi phạm cũng như các tình tiết giảm nhẹ nếu có.

Tuy đã có các đạo luật để bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành nhưng thực tế nhưng tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên và chưa được trừng phạt nghiêm khắc. Cần có những chế tài xử phạt mạnh mẽ, quyết liệt hơn để bạo hành trẻ em không còn là vấn nạn của xã hội.

Trả lời